Thực hiện công văn số 216/CV-CĐN ngày 24/9/2020 của Công đoàn giáo dục Việt Nam, sáng 09/10/2020, cô giáo Nguyễn Thị Bảo Hòa – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nông Nghiệp cùng cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai – GV trực tiếp dạy lớp 1 đã tham gia buổi Tọa đàm “Đồng hành cùng giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1" do Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức tại thành phố Lào Cai.
Tham dự toạ đàm có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo các Cục, Vụ, chuyên gia BQL Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT), chuyên gia tham gia biên soạn Chương trình GDPT 2018, Công đoàn GD các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, lãnh đạo Sở/Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn một số trường Tiểu học và GV trực tiếp giảng dạy lớp 1 các tỉnh khu vực phía Bắc...
Các vấn đề được đưa ra trao đổi tại toạ đàm: Phương pháp dạy học, tổ chức lớp học thực hiện theo mục tiêu bài học trong CTGDPT 2018 đối với lớp 1; Vai trò trách nhiệm của Công đoàn trong việc phối hợp với chuyên môn hỗ trợ GV khi triển khai dạy học theo CTGDPT 2018 đối với lớp 1; Việc triển khai CTGDPT 2018 ở các địa phương.
Trong buổi toạn đàm, cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai, GV trường Tiểu học Nông Nghiệp đã chia sẻ một số nguyên nhân, hướng khắc phục, những băn khoăn, thắc mắc của các thầy cô giáo trực tiếp dạy lớp 1 về "dạy học lớp 1 sao cho hiệu quả”.
1. Về phía giáo viên:
- Do nhiều giáo viên đã đồng hành với chương trình cũ trong một khoảng thời gian khá dài, cần có một khoảng thời gian để họ dần thay đổi, dường như họ đã có một thói quen ăn mòn sâu trong suy nghĩ, bây giờ tự nhiên được cởi trói, họ cảm thấy ngỡ ngàng : họ quen có một chương trình sẵn áp đặt trước, lệ thuộc vào sách giáo khoa, sách giáo viên trong khi sách giáo khoa không còn là pháp lệnh như trước nữa. Giáo viên có quyền chủ động điều tiết lượng kiến thức phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh trong lớp mình.
- Mặc dù đã được tập huấn nhưng tôi thiết nghĩ chắc là chưa đủ, giáo viên chưa nắm chắc được những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sách giáo khoa chương trình không quy định chuẩn đầu ra cho từng bài học, cho từng tuần, từng tháng mà quy định chuẩn đầu ra cho môn học trong năm học đấy. Do đó, tùy thuộc vào đối tượng học sinh, tùy điều kiện cụ thể của nhà trường, giáo viên lớp 1 cùng với ban giám hiệu cần xây dựng kế hoạch môn học sao cho sát với điều kiện thực tế và đặc biệt là phải phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Bản thân tôi cũng là giáo viên lớp 1, phải chăng, chúng ta cảm thấy nặng vì chúng ta quá tập trung vào việc rèn cho học sinh viết đẹp hay không? Tôi thiết nghĩ để đảm bảo mục tiêu phát triển cho trò cả 4 kĩ năng đọc, viết, nói, nghe, người giáo viên lớp 1 cần phải thay đổi chỉ yêu cầu học sinh viết đúng, dễ nhìn, dễ đọc là được rồi và để dành thời gian ấy cho việc phát triển kĩ năng đọc, nghe, nói cho các con thì có hơn không? Tôi nghĩ, nêu trả lời được câu hỏi này thì người giáo viên lớp 1 sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, không bị còn áp lực mỗi khi lên lớp.
- Một điểm mới nữa giáo viên cũng cần phải nắm chắc: chương trình mới chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực, do đó, người giáo viên phải là người truyền cảm hứng để trò được bộc lộ, được phát huy khả năng, sở trường, thế mạnh của mình. Giáo viên không nên kì vọng, áp đặt tất cả trò lớp mình đều phải đến một cái đích giống nhau mà phải hiểu rằng, trò của mình có những điểm xuất phát khác nhau, mỗi trò đều có những năng lực đặc thù riêng. Không nên bắt con cá phải leo cành cây, chấp nhận con có thể học chưa tốt môn Tiếng Việt, môn Toán nhưng con có mơ ước làm họa sĩ … Thầy cô phải là người tìm và giúp các con phát huy thế mạnh của mình.
- Chương trình được triển khai theo hướng mở, giáo viên được giao quyền tự chủ về nội dung, chương trình cũng như phương pháp giảng dạy, việc thiết kế bài giảng, giáo viên có thể chắt lọc, lựa chọn những gì tinh túy nhất của cả năm bộ sách để đưa vào bài giảng của mình. Cần phải mạnh dạn, tự tin và tích cực đổi mới sáng tạo, truyền năng lượng, cảm hứng cho trò để trò yêu thích môn học, làm cho trò thích mình mà học, đừng để trò phải sợ mình mà học.
- Đồng hành cùng chương trình mới , một thông tư mới “ quy định đánh giá HS tiểu học” đc ban hành, thông tư 27 của BGĐT,thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2020 .Một trong nhũng điểm mới của thông tư là : Đánh giá sự tiến bộ của HS, vì sự tiến bộ của HS và Đề KTđịnh kì đc thiết kế thay vì 4 mức như trước nay chỉ còn 3 mức thì GV .Nếu đã nghiên cứu và nắm chắc được những điểm mới này thì thầy cô L1 sẽ thấy giảm áp lực đi rất nhiều.
2. Về phía học sinh:
- Do ảnh hưởng của dịch Covid kéo dài, các con chưa đảm bảo được chuẩn đầu ra của bậc học mầm non, nhiều con chưa thuộc bảng chữ cái trước khi vào học lớp 1. Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid nên tháng 8 các con chưa được tới trường, chưa được làm quen với trường mới, bạn mới, thầy cô mới, phong cách học tập mới, lại phải tiếp cận luôn với chương trình mới nên các con cảm thấy bỡ ngỡ, phụ huynh cảm thấy con bị áp lực là điều không thể tránh khỏi.
3. Về phía phụ huynh :
- Một số phụ huynh trẻ có con đầu lòng học lớp 1, họ chưa hiểu được mục tiêu của chương trình, cảm thấy áp lực, chương trình môn học thì quá nặng. Vậy để giải quyết vấn đề này, giáo viên hãy là cầu nối giữa gia đình và nhà trường. Cách đánh giá của giáo viên cần phải linh hoạt. Mọi lời nhận xét, mọi tin nhắn của giáo viên gửi về cần phải hết sức tinh tế, khéo léo và cẩn trọng để giảm đi áp lực đối với phụ huynh khi dạy con ở nhà. Giáo viên có thể cho các con hoàn thành bài tập ngay tại lớp, không giao thêm BTVN, đối với những học sinh có khả năng nắm bắt chậm, giáo viên chỉ yêu cầu các con ôn lại bài cũ để các con nắm chắc hơn kiến thức mà thôi.
Các ý kiến tham luận của cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai là những chia sẻ rất thực tế ", đã được lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Vụ/Cục của Bộ GD&ĐT, chuyên gia giáo dục, các chủ biên chương trình SGK và đại diện các Sở/Phòng GDĐT... giải đáp và cũng nhận được sự đồng thuận của đông đảo của các đại biểu trong buổi tọa đàm.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng: Sau hơn 1 tháng triển khai dạy học lớp 1 theo CTGDPT 2018, về cơ bản các trường và GV đáp ứng yêu cầu. Tuy vậy, cũng còn có nơi, có giáo viên còn lúng túng, chưa quen với phương pháp, yêu cầu mới, dẫn đến có cảm giác quá tải. Một số bậc phụ huynh cũng chưa hiểu đầy đủ về Chương trình và SGK mới nên có những ý kiến trái chiều, tạo dư luận không tốt ảnh hưởng tới tâm lý của GV và HS. Chính vì vậy, tọa đàm là cơ hội để các đơn vị và GV nhận diện những vấn đề đặt ra khi triển khai CTGDPP 2018. Đồng thời xác định được các giải pháp để công đoàn tham gia đồng hành với GV trong quá trình triển khai...”