Các bạn biết không, có một bài hát nhẹ nhàng mà chan chứa tình mẹ.
“Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào."....
Mẹ - tiếng gọi thiêng liêng và cao đẹp nhất bởi vì dù làm bất cứ điều gì, ở đâu thì mẹ cũng dành tình yêu vô bờ bến, vô điều kiện cho đứa con thân thương của mình. Người thấm thía nhất những nỗi đau khổ, vất vả và niềm hạnh phúc khi được nhìn con mình lớn lên từng ngày. Mẹ luôn mong muốn: không chỉ là mẹ mà còn là bạn đồng hành cùng con để giúp con hiểu được những lẽ sống ở đời và chia sẻ cho con những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Chúng mình làm bạn, con nhé? của nhà văn Phong Điệp giống như những trang nhật ký ghi lại hành trình của người mẹ đồng hành cùng con trong những bước đi đầu đời. Hàng loạt câu hỏi, thắc mắc hay những tình huống có thật mà bất cứ đứa trẻ nào cũng gặp phải được tác giả chia sẻ chân thành, đồng thời đưa ra những cách giải quyết đầy thuyết phục.
Cuốn Sách được NXB Phụ Nữ xuất bản năm 2014 với giá 50 000đ được in trên khổ giấy 18,5 x 18cm trải dài 147 trang. Nổi bật trên nền bìa bóng loáng, màu vàng giản dị với nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau là dòng chữ màu đỏ “Chúng mình làm bạn con nhé?". Phía trên là dòng chữ màu đen ghi tên tác giả bằng chữ in hoa Phong Điệp. Sát bên dưới dòng chữ màu đỏ đó có in câu hỏi"Vì sao mẹ sinh con trên đời này?" là hình ảnh hai nhân vật chính Sẻ Đồng và Cún Con.
Lật từng trang sách, đi sâu vào phần nội dung bên trong chúng ta sẽ thấy cuốn sách được chia làm 4 phần:
- Phần 1: Chào đời
- Phần 2: Chặng đường mới
- Phần3: Cuộc sống quanh mình
- Phần 4: Những lá thư gửi con ở trại hè
Sau đây mời các bạn cùng tôi điểm qua từng trang sách ở mỗi phần để hiểu sâu hơn về cách làm bạn của người mẹ hiện đại đối với con như thế nào nhé!
Phần 1: Chào đời:
Với những câu hỏi thật ngộ nghĩnh như: “Con đã chào đời như thế nào? Tại sao con được sinh ra? Sao con phải ở trong bụng của mẹ những 9 tháng 10 ngày? Mẹ đẻ con ra, sao con lại giống bố? ", tác giả dùng những hình ảnh vừa dễ hiểu, vừa đầy tính văn chương nhưng cũng ăm ắp tình cảm, hạnh phúc của người mẹ để trả lời cho những thắc mắc thơ ngây của con. Tôi nghĩ rằng các câu hỏi này cũng có rất nhiều bạn muốn hỏi bố mẹ nhưng vẫn còn ngại mà cho dù có hỏi, các bạn cũng chưa chắc có được câu trả lời đầy sức thuyết phục. Và chính người mẹ trong truyện đã trả lời những câu hỏi đó. Vậy câu trả lời đó là gì? Tôi cùng các bạn tìm đọc ở trang 8 của cuốn sách, chắc chắn các bạn sẽ tìm ra được những thắc mắc của mình.
Các bạn học sinh thân mến! Nếu như ở phần chào đời, người mẹ đã tâm sự, trò chuyện, giải thích những thắc mắc ngây thơ, ngộ nghĩnh của con khi ở nhà. Khi con bắt đầu đi học, cũng có rất nhiều những câu hỏi, những thắc mắc được đặt ra cho mẹ. Người mẹ đã giải thích cho con của mình như thế nào chúng ta chuyển sang phần 2 của cuốn sách “Những chặng đường mới”
Ở đây, chúng ta lại được thấy hàng loạt những câu hỏi thắc mắc có thật được đặt ra đều có nguyên nhân của nó. Con thắc mắc “Tại sao con phải đi học?”. Có những lúc đi học về, thấy con buồn vì muốn đổi tên, mẹ đã hỏi: “Tại sao con muốn đổi tên?” và giải thích: Điều quan trọng không phải ở chuyện con tên là gì, mà quan trọng hơn là con là người như thế nào, con đã làm gì? Với những tình huống đó người mẹ đã chia sẻ chân thành cùng con và đưa ra cách lý giải thật sâu xa và đầy thuyết phục như thế nào, chúng ta cùng đọc ở trang 64 của cuốn sách nhé!
Ngoài việc những chuyện ở nhà, ở trường ra thì cuộc sống quanh ta có biết bao điều thú vị. Lúc này người mẹ trong truyện đã dạy bảo, giải thích và làm bạn với con mình như thế nào, chúng ta cùng đến với phần ba “Cuộc sống quanh mình”
Bằng những lời khuyên nhẹ nhàng mà sâu lắng, những lời giải thích đầy thuyết phục của mẹ dành cho con để cho con hiểu được hậu quả của việc con làm nguy hiểm như thế nào chúng ta cùng đọc ở trang 76 của cuốn sách nhé!
Mẹ không những chia sẻ cho con về cách ăn, cách mặc, hướng dẫn cho con chăm sóc cây, làm việc nhà. Mẹ còn dạy con tình yêu thương con người. Giữa người với người “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, biết nhường cơm sẻ áo. Chúng ta cùng nhau đến với trang 96 của cuốn sách để tìm hiểu câu hỏi “Sống để yêu thương”. Các bạn biết không?
Khi lớn hơn, người mẹ không thể giữ con ở cạnh bên mình mãi mà đã dạy cho con biết tự lập để có những trải nghiệm đặc biệt. Vậy đó là những trải nghiệm gì tôi cùng các bạn đến với phần 4 của cuốn sách “Những lá thư gửi con ở trại hè”
Và đặc biệt, khép lại cuốn sách ở trang 141 là một lời khuyên: Đừng cất giữ những "ngọn lửa" đáng sợ mà người mẹ dành cho con với mong muốn khi con bị tổn thương, bị xúc phạm hay bị người khác coi thường... là lúc "ngọn lửa" của sự ấm ức bắt đầu bùng cháy thì con hãy tìm đến cách giải quyết tốt nhất đó là gì chúng ta cùng tìm hiểu ở trang 141 nhé.
Cuốn sách như lời thủ thỉ tâm sự, kể chuyện chứa chan tình cảm. Tác giả giải thích một cách thấu đáo những thắc mắc của con hoặc những tình huống mà con gặp phải rồi hướng dẫn cách giải quyết các tình huống mà con thường gặp ở nhà, ở lớp cũng như ngoài cuộc sống. Còn rất nhiều điều thắc mắc trong cuốn sách và những lời chia sẻ của mẹ đang chờ chúng mình. Như nhà thơ Chế Lan viên có viết:
“ Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”
Qua buổi giới thiệu sách ngày hôm nay tôi mong rằng các bạn sẽ tìm đọc cuốn sách Chúng mình làm bạn, con nhé? để mở rộng kĩ năng sống cho mình và chuẩn bị hành trang vào đời và hơn thế nữa là hãy trân trọng từng phút giây khi mình được ở bên mẹ, hãy cố gắng làm thật nhiều điều vui có thể được cho mẹ các em nhé.
Chúc các bạn đọc, tìm được niềm vui và học được nhiều điều bổ ích khi làm bạn với cuốn sách này. Ngoài ra còn rất nhiều cuốn sách hay, có ý nghĩa hiện có mặt tại thư viện trường Tiểu học Nông Nghiệp. Hẹn gặp lại các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau.